Trong quá trình ôn luyện IELTS, các bạn thường gặp phải một vấn đề chung với mọi trình độ, đó là khó khăn trong việc học và ghi nhớ từ vựng mới. Trong bài viết này, ITD sẽ giới thiệu tới các bạn 7 phương pháp học từ mới cực kì hiệu quả, có thể trở nên rất hữu ích cho các bạn khi áp dụng một cách kiên trì đấy.
1. Dùng từ mới trong một câu văn cụ thể
Sau khi học được các từ mới và nghĩa của từ, bạn nên tập đặt câu với từ mới đó, viết ra những câu của riêng bạn theo ý bạn hiểu. Cách tốt nhất là viết những câu hoặc đoạn văn liên quan đến cuộc sống hàng ngày của chính bạn.
2. Tìm ra các dạng khác nhau về ngữ pháp của từ mới
Bạn hãy cố gắng tìm các cách sử dụng khác nhau (các dạng ngữ pháp khác nhau) của từ mới. Ví dụ bạn học được một động từ “to believe”, bạn có thể tìm được dạng danh từ “belief”, tính từ “believeable” của từ đó…
Một cuốn từ điển tốt sẽ giúp bạn trong việc tìm dạng từ. Bạn nên sử dụng một cuốn từ điển giấy như từ điển Oxford trong việc học từ vựng hơn là một cuốn từ điển online hay phần mềm trên máy tính. Khi đã học được một lượng kha khá từ và dạng từ, bạn có thể đặt thêm những câu khác nhau với từng dạng của từ.
3. Tập liên kết các từ vựng với nhau
Bạn hãy thử liên kết từ mới với các từ vựng liên quan bằng một số công cụ như biểu đồ tư duy (mind map). Điều này không chỉ giúp bạn nhớ lâu nhiều từ đã học mà còn tăng vốn kiến thức của bạn về từ vựng và những từ liên quan.
Ví dụ bạn có 1 từ mới là leisure (giải trí), bạn có thể liên tưởng đến các danh từ liên quan như freetime, spare time (thời gian rảnh), leisure activities (các hoạt động giải trí), leisure center (trung tâm giải trí), …
Từ đó bạn cũng có thể nghĩ đến các động từ là các việc bạn có thể làm trong chủ đề giải trí như snorkeling (lặn với ống thở), hiking (đi bộ đường dài), playing games (chơi các trò chơi), swimming (bơi lội), reading books (đọc sách),…
Với các tính từ trong cùng chủ đề leisure, bạn có thể nghĩ đến enjoyable (thú vị), relaxing (thư giãn), stressful (căng thẳng),…
4. Mang theo một cuốn sổ tay từ vựng để bạn có thể học mọi lúc mọi nơi
Từ những bước trên, bạn học và tìm hiểu được khá nhiều từ mới rồi. Vậy bây giờ bạn có thể viết các kiến thức đó vào một cuốn sổ note nhỏ và mang theo bên mình mọi lúc, như vậy bạn có thể học từ mới và ôn tập từ cũ ở mọi nơi vào bất cứ lúc nào mà bạn muốn.
Bạn có thể làm tương tự với chiếc điện thoại di động của mình thay vì một quyển sổ tay. Bạn có thể tận dụng thời gian rảnh khi ngồi trong phòng chờ, trên xe buýt hay khi đang rảnh tay trong giờ nghỉ để mở điện thoại oặc sổ ra và ôn tập. Điều này sẽ đảm bảo cho bạn nhìn thấy từ mới nhiều hơn một lần và như vậy từ mới sẽ được lưu trong trí nhớ của bạn lâu hơn.
5. Sử dụng flash cards tự làm
Tạo các tấm card nhỏ và ghi từ mới lên một mặt và mặt kia là ngữ nghĩa của từ đó. Đặt các tấm card này một cách ngẫu nhiên lên sàn nhà. Nếu mặt ngửa lên của tấm card là mặt có từ mới, bạn hãy cố gắng giải thích nghĩa của từ đó.
Nếu bạn thấy mặt có nghĩa, hãy cố gắng nhớ xem từ đó trong tiếng Anh là từ nào. Khi đã học khá nhiều từ mới và đã tạo được một số lượng kha khá flash cards, bạn có thể chọn ngẫu nhiên mỗi ngày khoảng 10 tấm card trong số đó để học.
6. Tìm ví dụ về từ mới trên mạng (Google)
Muốn học hiệu quả và nhớ lâu một từ mới, bạn hãy gõ từ đó vào một công cụ tìm kiếm (Google, Bing…) và ghi lại 5 – 7 câu khác nhau có chứa từ mới đó. Việc này sẽ giúp bạn học được cách dùng từ mới trong các ngữ cảnh khác nhau và cả cách dùng của những từ vựng liên quan đến từ mới đó.
7. Ôn lại từ mới vào một khoảng thời gian bất kì
Bạn không nên chỉ học từ mới 1 lần. Bạn nghĩ mình đã học được từ mới này nhưng sau 1 đến 2 tuần, bạn sẽ khó có thể nhớ được đó là từ gì. Để thực sự học và nhớ được một từ mới bạn phải học và sử dụng lại từ đó nhiều lần trước khi nó có thể nằm lại trong trí nhớ dài hạn của bạn.
Có một thành ngữ dành cho những người học từ mới tiếng Anh đó là “Use it or lose it” (dùng và thực hành từ mới hoặc không thì bạn sẽ quên mất nó).